Kinh tế thị trường là gì? Đặc điểm, ưu điểm và hạn chế
Kinh tế thị trường là một trong những thành quả lớn trong quá trình phát triển của nhân loại. Vậy, cụ thể kinh tế thị trường là gì, đặc điểm của nền kinh tế thị trường cũng như những ưu điểm và hạn chế của nền kinh tế thị trường như thế nào?
Thế nào là kinh tế thị trường? Kinh tế thị trường ra đời khi nào?
Khái niệm
Kinh tế thị trường là phương thức vận hành nền kinh tế mà người mua và người bán tương tác với nhau theo quy luật cung cầu và quy luật giá trị để xác định giá cả cũng như số lượng hàng hoá, dịch vụ trên thị trường.
Có rất nhiều loại kinh tế thị trường, ví dụ như:
- Kinh tế thị trường tự do (Liberal Market Economy).
- Kinh tế thị trường xã hội (Social Market Economy).
- Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.
- Kinh tế thị trường tư bản nhà nước.
Sự ra đời của kinh tế thị trường
Lịch sự phát triển nền sản xuất xã hội đã chỉ ra rằng: Sản xuất và trao đổi hàng hóa là những tiền đề quan trọng cho sự ra đời và quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường.
Trong quá trình sản xuất và trao đổi, các yếu tố cơ bản của thị trường như cung, cầu, giá cả, … sẽ tác động theo cách điều tiết nền kinh tế. Sau đó hướng tới quá trình sản xuất hàng hóa giúp cho việc luân chuyển, phân bố các nguồn lực sản xuất, tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho quá trình sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Nền kinh tế thị trường là gì?
Nền kinh tế thị trường là nền kinh tế gồm nhiều thành phần kinh tế (nhà nước, tư nhân, tập thể và hợp tác xã, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), nhiều loại sở hữu cùng tham gia, vận động và phát triển theo cơ chế bình đẳng và ổn định,…
Đặc điểm của nền kinh tế thị trường là gì?
Kinh tế thị trường là một hình thức tổ chức sản xuất xã hội hiệu quả nhất phù hợp với trình độ phát triển của xã hội hiện nay. Nền kinh tế thị trường có một số đặc điểm chung sau đây:
- Các thành phần trong nền kinh tế có tính tự chủ cao. Mỗi chủ thể kinh tế là một thành phần của nền kinh tế độc lập với nhau, mỗi chủ thể tự quyết định lấy hoạt động của mình.
- Tạo ra sự đa dạng về sản phẩm. Do các thành phần kinh tế đều tự quyết định lấy hoạt động của mình nên bất cứ hàng hoá nào có nhu cầu thì sẽ có người sản xuất để đáp ứng. Mặt khác, nhu cầu của con người thì luôn luôn đa dạng và phong phú, điều này tạo nên sự đa dạng của hàng hoá trong nền kinh tế thị trường.
- Nền kinh tế thị trường luôn có sự cạnh tranh. Khi một mặt hàng nào đó có nguồn cầu lớn dẫn đến tình trạng càng ngày càng nhiều người sản xuất chúng. Và sự đa dạng về mẫu mã sản phẩm dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường hàng hóa.
- Kinh tế thị trường là một mô hình kinh tế mở, trong đó có sự giao lưu rộng rãi không chỉ trong thị trường một nước mà còn có sự giao thương giữa các thị trường trên thế giới.
- Giá cả hình thành dựa trên thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, không có cá nhân nào có khả năng quyết định giá cả. Giá của một mặt hàng được quyết định bởi nguồn cung và cầu của thị trường.
Ngoài những đặc điểm cơ bản trên, sau đây Infina sẽ phân tích ưu thế cũng như mặt hạn chế của nền kinh tế thị trường.
Ưu điểm của nền kinh tế thị trường
Là điều kiện giúp các doanh nghiệp có thể đổi mới sáng tạo
Trong nền kinh tế thị trường, khi lượng cầu hàng hóa cao hơn lượng cung, thì giá cả và lợi nhuận tăng lên, khuyến khích người sản xuất tăng lượng cung. Khi đó, người sản xuất nào có cơ chế sản xuất hiệu quả thì có tỷ suất lợi nhuận cao hơn, từ đó, họ tăng quy mô sản xuất.
Và khi đó, các nguồn lực sản xuất sẽ chảy về phía những người sản xuất hiệu quả. Những người sản xuất có cơ chế sản xuất kém hiệu quả sẽ có lợi nhuận thấp, khả năng mua nguồn lực sản xuất thấp, sức cạnh tranh kém sẽ bị đào thải.
Nền kinh tế thị trường thúc đẩy các doanh nghiệp có thể đổi mới, phát triển. Bởi vì khi các doanh nghiệp đó muốn đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường họ phải đổi mới về công nghệ, quy trình sản xuất, sản phẩm.
Tạo ra một lực lượng sản xuất đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng
Dưới sự tác động của các quy luật thị trường (quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh…), nền kinh tế thị trường sẽ tạo ra được một lực lượng sản xuất lớn nhằm đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của xã hội.
Tạo động lực để người lao động tích cực làm việc
Trong điều kiện các doanh nghiệp không ngừng đổi mới, tìm kiếm nhân lực tài năng, thì mức lương và chế độ đãi ngộ dành cho người lao động cũng tăng lên đáng kể. Từ đó, tạo động lực cho người lao động làm việc năng suất hơn, tạo ra nhiều của cải vật chất hơn.
Cung cấp nhiều việc làm hơn, ngăn chặn tình trạng thất nghiệp
Cùng với động lực thúc đẩy quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, nền kinh tế thị trường còn gián tiếp tạo ra nhiều việc làm hơn cho thị trường lao động. Không chỉ vậy, việc đòi hỏi đổi mới sáng tạo không ngừng còn là tiền đề để nâng cao tay nghề, kiến thức chuyên môn của bộ phận lao động.
Hạn chế của nền kinh tế thị trường là gì?
Nền kinh tế thị trường có thể dẫn đến bất bình đẳng trong xã hội
Với cách vận hành của nền kinh tế thị trường, người giàu sẽ càng giàu, còn người nghèo sẽ càng nghèo. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, cuối cùng sẽ dẫn tới tình trạng phân chia giai cấp, gây bất bình đẳng xã hội và các tệ nạn khác.
Gây ra mất cân bằng cung cầu, dẫn đến khủng hoảng kinh tế
Cơ chế của nền kinh tế thị trường không phải lúc nào cũng tạo ra sự cân đối về giá cả và hàng hóa. Thị trường vốn dĩ có sự biến động liên tục, do vậy việc xảy ra các vấn đề chẳng hạn như chiến tranh, dịch bệnh, thiện tai, cấm vận… đều có thể là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế.
Không chỉ vậy, bởi vì chạy theo lợi nhuận nên các công ty sẽ mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến nguồn cung cao hơn cầu. Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm sẽ dẫn đến hiện tượng khủng hoảng thừa và gây ra khủng hoảng kinh tế.
Có thể dẫn đến việc phân bổ nguồn lực không hiệu quả
Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng này. Bởi vì giá cả có thể không linh hoạt trong các khoảng thời gian ngắn hạn dẫn đến việc điều chỉnh cung cầu không suôn sẻ, dẫn tới khoảng cách giữa tổng cung và tổng cầu. Điều này sẽ gây ra tình trạng lạm phát và thất nghiệp.
Kết luận
Bài viết trên đây đã cung cấp cho các bạn những thông tin liên quan đến chủ đề kinh tế thị trường cũng như định nghĩa kinh tế thị trường là gì và Nền kinh tế thị trường có những ưu điểm và hạn chế như thế nào.