ZenOne
burger
ZenOne

Đầu tư đa kênh bạn đang mắc sai lầm nào

718 ngày trước
Đầu tư đa kênh bạn đang mắc sai lầm nào


Đầu tư đa kênh bạn đang mắc sai lầm nào?

Đầu tư luôn là vùng đất màu mỡ được nhiều người quan tâm. Để có thể đạt được lợi nhuận như mong muốn, nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư đa kênh. Tuy nhiên, những nhà đầu tư thế này sẽ dễ mắc sai lầm. Cùng ZenOne tìm hiểu nhé!

Đầu tư đa kênh như thế nào?

Đầu tư đa kênh giống như thuốc trị bệnh: Có tác dụng phụ nên bạn hãy đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng.

Các chiến lược đầu tư tài chính - trong đó có đầu tư đa kênh, có mục đích chung là giúp bạn hạn chế tối đa rủi ro, tối đa lợi nhuận hoặc đơn giản là tạo ra một kịch bản đầu tư ổn định nhất.

Tuy nhiên, các chiến lược dù tốt đến thế nào cũng tồn tại rủi ro nếu không được hiểu và áp dụng đúng. Sau đây, ZenOne sẽ liệt kê ra một vài sai lầm mà nhà đầu tư đa kênh thường mắc phải nhé!

Sai lầm 1: Bỏ bừa trứng vào nhiều rổ

Chiến lược "nhiều rổ" khuyến khích nhà đầu tư phân bổ nguồn vốn, đa dạng hóa danh mục đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác nhau thay vì một kênh duy nhất để phân tán rủi ro.

Quan điểm trên không sai nhưng chưa đủ.

Theo đó, điều kiện cần để chiến lược này hiệu quả là “trứng để ở nhiều giỏ nhưng các giỏ phải thuộc lĩnh vực mà bạn có nền tảng tốt nhất”.

Theo đó, có 2 nền tảng bạn cần chú ý.

Nền tảng thứ nhất: Hiểu biết về ngành

Bạn có thể tìm ra kênh đầu tư thế mạnh thông qua việc sắp xếp các loại hình đầu tư theo thang điểm hiểu biết để tự đánh giá.

Ví dụ như bạn tự đánh giá kiến thức về chứng khoán 9/10 điểm, bất động sản 5/10 điểm, vàng 6/10 điểm, tiền mã hóa 7/10 điểm. Như vậy, chứng khoán và tiền mã hóa sẽ là hai kênh bạn nên ưu tiên phân bổ đầu tư.

Trường hợp muốn đầu tư vào các danh mục khác ngoài sở trường, giải pháp đơn giản nhất vẫn là tìm đến các chuyên gia tư vấn chuyên ngành hoặc những nhà đầu tư lâu năm có uy tín.

Nền tảng thứ hai: Sự quen thuộc

Ngoài ra, bạn cũng có thể nâng cao hiệu quả “chia trứng nhiều rổ” thông qua đầu tư vào những công ty gần với chuyên môn của mình nhất hoặc chính là công ty bạn đang làm việc.

Chẳng hạn, bạn là người làm trong lĩnh vực công nghệ, chắc chắn bạn sẽ biết về cách vận hành của một công ty công nghệ ra sao, khả năng kinh doanh của công ty đó như thế nào. Từ đó đưa ra những quyết định đầu tư chính xác nhất.

Lưu ý

Để có thể tối ưu hiệu quả đầu tư nhiều rổ, bạn có thể chia nhỏ hơn nữa các “rổ trứng” thế mạnh - đặc biệt là các kênh đầu tư có giá trị tài sản cao.

Ví dụ, bạn là người có am hiểu sâu sắc về lĩnh vực bất động sản. Thay vì bỏ ra 10 tỷ để đầu tư một căn nhà bạn nên chia nhỏ số tiền ra thành 3-4 căn.

Chung quy tất cả các sản phẩm đầu tư này đều thuộc lĩnh vực mà bạn giỏi nhất nên không những giúp bạn dễ kiểm soát, giảm được rủi ro mà còn tăng cơ hội sinh lời nhiều hơn từ chính vùng đầu tư lợi thế của mình.

Chiến lược tương tự cũng có thể áp dụng cho đầu tư chứng khoán (ví dụ đầu tư các mã khác nhau trong cùng một nhóm ngành), tiền mã hoá (ví dụ đầu tư các đồng tiền khác nhau thuộc một danh mục như nhóm Stablecoins, nhóm Ethereum Ecosystem..)


Sai lầm 2: Cố gắng đầu tư vượt quá tầm

Có rất nhiều trường hợp đầu tư như thế này, ban đầu bạn dùng tiền nhàn rỗi của mình để đầu tư nhưng cuối cùng không những không có lời mà còn trở thành con nợ của người khác.

Đó chính là một hệ quả của đầu tư “vượt quá tầm với”.

Biểu hiện rõ nhất của hình thức này là khi bạn đầu đầu tư bất chấp, không suy tính đối với một cơ hội đầu tư hứa hẹn về lợi nhuận.


Song, tiềm năng của “món hời" không đến từ giá trị thật của nó (được kiểm chứng qua thị trường) mà bằng những lời chiêu dụ, giới thiệu từ người khác.

Những món đầu tư này thường yêu cầu số tiền đầu vào rất lớn thì mới đem lại lợi nhuận khủng. Và khi nghe về cơ hội tốt, bạn lập tức bị FOMO. Bạn có thể bắt đầu vay mượn (bạn bè, ngân hàng) dù kiến thức về lĩnh vực không nhiều.


Việc này tương tự như như khi bạn nghe ai đó nói rằng “chạy bộ 10km một ngày sẽ rất tốt cho sức khỏe. Mình đã làm được và có được cơ thể như ngày hôm nay". Nghe xong bạn lập tức hôm sau dậy sớm để chạy bộ 10km mà quên rằng bản thân đang có vấn đề về xương khớp. 

Bạn chỉ muốn chạy để có kết quả giống người khác (vẽ ra) chứ không vì chúng phù hợp, có giá trị thực với bản thân.


Nói cách khác, dù là đầu tư tài chính hay đầu tư cho sức khoẻ, một cơ hội đầu tư tốt là khi bạn có kiến thức trong lĩnh vực và khả năng đầu tư của bạn đáp ứng được cơ hội đó.

Sai lầm 3: Đặt niềm tin nhầm chỗ

Khi nhà đầu tư mới tìm hiểu về thị trường thường sẽ tìm đến lời khuyên của người đi trước. Ngoài bạn bè, chuyên gia thì những chia sẻ từ các cộng đồng/diễn đàn chính là kênh tư vấn phổ biến mà nhiều nhà đầu tư mới hay sử dụng.


Tuy nhiên, đây cũng chính là nơi rủi ro xuất hiện vì những “chuyên gia ẩn danh".

Không khó để tìm thấy các thông tin mua mã cổ phiếu X, cổ phiếu Y từ cá nhân vô danh trên các diễn đàn. Nếu nhà đầu tư không có khả năng kiểm tra thông tin hoặc có kiến thức sẽ dễ mua theo.


Để tự sàng lọc những hồ sơ (profile) có giá trị, bạn có thể tự trả lời các câu hỏi sau:

Họ có kiến thức ở lĩnh vực đầu tư này hay chỉ là ăn may?


Rất nhiều người mới đầu tư cũng nghe theo lời khuyên của một group, hội nhóm nào đó và vô tình được một số lãi lớn. Lúc này, họ cho rằng mình là người rất am hiểu về thị trường và đi tư vấn cho người khác. Nói cách khác, bạn có thể là người “ăn may” tiếp theo hoặc bạn mất hết tài sản vì nghe theo lời khuyên đó.

Giải pháp là bạn có thể đối chiếu các chia sẻ trong quá khứ của họ về thị trường với những diễn biến thị trường cùng thời điểm đó.

Nếu nếu xác suất đánh giá đúng trên 50%, đó có thể là những nhà đầu tư có kinh nghiệm nhưng nếu tỷ lệ thấp hơn, hãy cân nhắc!

Nếu đã thực sự thành công với hình thức đầu tư đó, liệu trường hợp thành công của họ có áp dụng cho mình được không?


Như đã đề cập ở trên, mỗi người sẽ giỏi ở một lĩnh vực khác nhau, có người giỏi đầu tư vào các công ty công nghệ, có người giỏi đầu tư vào các công ty thực phẩm. Khi họ thành công với hình thức đầu tư đó tức là họ áp dụng kiến thức vào lĩnh vực họ am hiểu nhất.

Còn với bạn thì sao, chưa chắc bạn đã có kiến thức về ngành sâu sắc như họ, chưa chắc thời điểm bạn đầu tư đã thuận lợi như họ. Do đó, hãy cân nhắc khi nhận lời khuyên từ những nhà đầu tư cá nhân này.

Họ sẽ nhận được gì khi giúp cho bạn đầu tư thành công?

Ví dụ một người tư vấn bất động sản sẽ có được lợi nhuận từ hoa hồng, nhờ đó họ mới tận tâm nhiệt tình giúp bạn tìm được một căn nhà ưng ý.

Đây là việc hợp tác đôi bên cùng có lợi, bạn mua được một căn nhà phù hợp để có thêm nguồn thu nhập thụ động hằng tháng, còn người tư vấn sẽ có được một khoản hoa hồng cho công sức họ bỏ ra.

Đây chính là lợi ích trong hợp tác đầu tư kinh doanh.

Vậy thử nghĩ xem, những người đang tư vấn miễn phí cho bạn sẽ nhận được gì khi hướng dẫn bạn đầu tư thành công.

Trên thực tế, người tư vấn giỏi là người biết rõ mục đích đầu tư của bạn là gì.

Lấy ví dụ, bạn đang muốn đầu tư vào chứng khoán với mục đích có tiền mua nhà cho con. 


Đầu tiên, người chuyên gia tư vấn phải hiểu sâu sắc mục đích mà bạn muốn đạt được để có những lời khuyên phù hợp với tình hình tài chính của bạn. 

Cách đầu tư dành cho người muốn mua nhà sẽ khác cách đầu tư cho một người muốn có quỹ hưu trí an nhàn.

Một ví dụ khác về đầu tư bất động sản, người tư vấn đầu tư phải hiểu rõ bạn muốn đầu tư để kiếm tiền thụ động từ nhà cho thuê hay muốn đầu tư dài hạn, mua và chờ trong 5-10 năm rồi bán đi để có được một số tiền lớn.

Kết luận

Đặt niềm tin vào người tư vấn có am hiểu về thị trường và am hiểu cả mục đích đầu tư của bạn sẽ giúp nhanh chóng có được những gì bạn mong muốn. 

Trước khi tin vào các thông tin đầu tư tràn lan trên các hội nhóm/group, hoặc tin lời bạn bè hãy tự đặt những câu hỏi trên để sáng suốt hơn trong quyết định.


Tags: Đầu tư đa kênh
Để lại bình luận của bạn
line